Kết quả Chiến_dịch_Linebacker_II

Số lượng máy bay Mỹ bị bắn hạ

Thiệt hại của Không quân Mỹ theo phía Mỹ công bố là 11 chiếc B-52 đã bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, 5 chiếc khác rơi tại Lào hoặc Thái Lan[56]. 26 phi công B-52 được cứu thoát, 33 người khác bị chết hoặc mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh. Đồng thời không quân chiến thuật Mỹ mất 12 máy bay (2 F-111, 3 F-4, 2 A-7, 2 A-6, 1 EB-66, 1 trực thăng cứu hộ HH-53 và 1 máy bay RA-5C), 10 phi công chiến thuật bị chết, 8 bị bắt, và 11 được cứu thoát. Trong số 28 máy bay cả B-52 và chiến thuật bị bắn rơi, 17 trường hợp do trúng tên lửa SA-2, 3 trường hợp do bị máy bay MiG tấn công vào ban ngày, 3 do pháo phòng không, và 3 trường hợp không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, số liệu của không quân Mỹ bị nghi ngờ do cách tính thiệt hại của họ có phần mập mờ. Nếu một chiếc máy bay bị hư hỏng nặng, nhưng vẫn quay về được sân bay, thì Mỹ sẽ không tính chiếc máy bay đó bị tiêu diệt, ngay cả khi nó bị hỏng nặng tới mức không thể bay trở lại. Trong chiến dịch, Không quân Mỹ nói với báo chí rằng 17 chiếc B-52 đã bị mất. Sau đó, Không quân Mỹ lại báo cáo với Quốc hội rằng chỉ có 13 chiếc B-52 bị mất. Chín chiếc B-52 trở về sân bay U-Tapao bị hư hỏng quá nặng để có thể bay trở lại. Số lượng B-52 hư hại quay về được sân bay đảo Guam thì vẫn chưa được biết. Như vậy, số B-52 bị mất (rơi tại chỗ hoặc hỏng nặng không thể bay trở lại) có lẽ là từ 22 đến 27 chiếc[30]

Theo số liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[57], tổng cộng trong 12 ngày đêm có 81 máy bay các loại bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi tại chỗ). Trong số 34 B-52 bị bắn rơi, 23 chiếc là do lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội bắn rơi, 11 chiếc khác do lực lượng phòng không các tỉnh/thành phố khác bắn rơi.

Lực lượng Không quân Việt Nam đã xuất kích 31 phi vụ, trong đó có 27 phi vụ MiG-21 và bốn phi vụ MiG-17, tiến hành tám trận không chiến, tuyên bố bắn rơi 2 chiếc B-52, bốn chiếc F-4 Phantom và một RA-5C. Tổn thất của Việt Nam là ba chiếc MiG-21 bị bắn rơi.

Ngoài số máy bay bị rơi tại chỗ, có 4 chiếc B-52 khác bị trúng đạn hư hại nặng nhưng vẫn bay về được sân bay và 5 chiếc khác bị hỏng mức trung bình. Trong số B-52 bị bắn hỏng nặng, một số chiếc có thể bị hỏng nặng đến mức không bay được nữa, nhưng Mỹ lại không tính là "bị bắn rơi", vì vậy số B-52 bị diệt trong thực tế có lẽ phải cao hơn con số 16 chiếc mà Mỹ công nhận (khi giám sát việc tiêu hủy B-52 theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giai đoạn 2 (SALT-II), các chuyên gia Liên Xô phát hiện nhiều máy bay B-52 tại sa mạc Nevada thực chất là các B-52 đã bị bắn hỏng nặng tại Việt Nam, chúng không còn bay được nữa và được tập kết về đây để tiêu hủy).

Một mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội, trong Chiến dịch Linebacker II

Một số thống kê khác của Việt Nam:[58]

  • Trong 34 B-52 bị bắn rơi, 29 chiếc là do tên lửa phòng không, 3 chiếc là do pháo cao xạ 100mm, 2 chiếc là do tiêm kích MiG-21.
  • Tên lửa phòng không bắn rơi 36 máy bay các loại, không quân tiêm kích bắn rơi 12 máy bay, còn lại là pháo hoặc súng máy cao xạ bắn rơi.
  • Đơn vị phát hiện B-52 đầu tiên: Đại đội radar 16 trung đoàn 291 - 19h10 ngày 18 tháng 12.
  • Đơn vị đầu tiên đánh B-52: Tiểu đoàn 78 trung đoàn 257 - 19h44 ngày 18 tháng 12.
  • Đơn vị bắn rơi B-52 đầu tiên: Tiểu đoàn 59 trung đoàn 261 - 20h13 ngày 18 tháng 12.
  • Trung đoàn 261 bắn rơi nhiều B-52 nhất: 12 chiếc.
  • Trung đoàn 257 bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất: 8 chiếc.
  • Tiểu đoàn 57 (trung đoàn 261) bắn rơi nhiều B-52 nhất: 4 chiếc.
  • Tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất: Tiểu đoàn 77 (trung đoàn 257) và Tiểu đoàn 93 (trung đoàn 261): mỗi tiểu đoàn bắn rơi 3 chiếc B-52.
  • Tiểu đoàn 79 (trung đoàn 257) bắn rơi chiếc B-52 cuối cùng: 23h16 ngày 29 tháng 12
  • Tiểu đoàn 72 (trung đoàn 285) bắn quả tên lửa cuối cùng trong chiến dịch: 23h29 ngày 29 tháng 12

Về dự trữ đạn dược của Việt Nam

Theo ước tính của Hoa Kỳ, Việt Nam đã phóng hơn 1.000 tên lửa sau 12 ngày đêm. Nghĩa là theo Mỹ ước tính thì lượng đạn tên lửa của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sắp cạn kiệt, vì vậy có những ý kiến cho rằng nếu Hoa Kỳ kiên trì đánh phá thêm vài ngày thì có thể đã giành được chiến thắng. Tuy nhiên theo thống kê của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực ra trong toàn chiến dịch họ chỉ phóng 334 đạn tên lửa SA-2 (bao gồm 241 tên lửa phóng ở Hà Nội)[59], bằng 60% dự trữ số đạn tốt của Hà Nội, Hải Phòng. Việc Hoa Kỳ ước tính sai số tên lửa đã phóng (cao gấp 3 lần thực tế) là do chiến thuật bắn "tên lửa giả" của Việt Nam (tên lửa vẫn nằm trên bệ phóng nhưng lại phát sóng điều khiển tên lửa ra ngoài để làm đội hình F-4 bảo vệ B-52 của Mỹ tưởng bị nhắm bắn, phải tìm cách né tránh làm rối loạn đội hình) Mặt khác, trong 12 ngày đêm, quân đội Việt Nam cũng phục hồi được hơn 300 tên lửa cũ để tái sử dụng, như vậy thực ra kho tên lửa dự trữ của Việt Nam chỉ sụt đi khoảng 6% (khoảng 30 quả).

Tuy dự trữ tên lửa trong kho còn nhiều, nhưng SA-2 là tên lửa phòng không thế hệ đầu, muốn sử dụng thì phải lắp ráp lại và bơm nhiên liệu. Đến ngày 24/12, một số đơn vị bị thiếu đạn trên bệ phóng do cục kỹ thuật không lắp ráp kịp. Tận dụng ngày nghỉ Noel (25/12), Việt Nam đã lắp ráp được hàng trăm quả tên lửa, nên từ ngày 26/12, tình trạng thiếu đạn trên bệ phóng đã được khắc phục. Số lượng đạn tên lửa mà các trung đoàn tên lửa phòng không quanh Hà Nội và Hải Phòng đang có đã lên đến hàng trăm quả. Tại mỗi tiểu đoàn kỹ thuật đã có dự trữ hơn 60 quả đạn chưa lắp ráp. Đến đêm 29 tháng 12, các đơn vị tên lửa phòng không Hà Nội được lệnh bắn không hạn chế số lượng đạn tên lửa, không có chuyện bị thiếu tên lửa vào cuối chiến dịch.

Cùng với đạn tên lửa, Việt Nam đã sử dụng 2.036 viên đạn pháo 100mm, 15.669 viên đạn 57mm, 19.454 viên đạn 37mm, 1.147 viên đạn 14.5mm đã được bắn, chiếm 66% lượng dự trữ của Hà Nội và Hải Phòng.

Như vậy, nếu tiếp tục duy trì cường độ chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn có đủ đạn dược để chiến đấu thêm 20 ngày nữa. Ngoài ra, trong trường hợp kho đạn tại Hà Nội-Hải Phòng cạn kiệt thì có thể huy động hàng trăm đạn tên lửa từ các kho ở Khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An) để tiếp tục chiến đấu thêm khoảng 10 ngày. Chưa kể 2 trung đoàn tên lửa SA-3 mới có năng lực cao hơn SA-2 kèm thêm 200 tên lửa SA-3 được dự kiến sẽ đưa vào chiến đấu vào ngày 31 tháng 12 năm 1972. Như vậy, tổng cộng lượng tên lửa dự trữ có thể kéo dài chiến đấu thêm tới 40 ngày. Trên thực tế, khi các cuộc không kích của Hoa Kỳ tiếp diễn tại Khu IV trong tháng 1 năm 1973, các đơn vị tên lửa SA-2 của Việt Nam đóng ở Thanh Hóa vẫn đủ sức tiếp tục chiến đấu, bắn rơi và bắn hỏng thêm 4 chiếc B-52.[60]

Kết quả sau chiến dịch

Các tác giả Dana DrenkowskyLester Grau cho rằng, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC) “mắc những sai lầm nghiêm trọng, chịu những tổn thất nặng nề trong một chiến dịch được xem là thất bại”:[28]

Đòn phủ đầu với ba B-52 bị SAM bắn rơi tại chỗ, hai chiếc nữa bị bắn hỏng nặng ngay đêm đầu (số liệu của Mỹ) đã làm các nguyên soái Không quân Mỹ bị choáng váng. Tin này có vẻ đã bị giấu nhẹm, vì đến ngày 20-12 (6 chiếc B-52 bị bắn rụng, một chiếc khác bị hỏng nặng, vẫn theo số liệu của Lầu Năm Góc mà nhiều học giả Mỹ cho là không đáng tin) mới xuất hiện các ghi chép của Chánh văn phòng Nhà Trắng về sự “đau lòng nhức óc” của Tổng thống Richard Nixon trong một Nhà Trắng như tối sầm dưới sức đè những tổn thất quá lớn về B-52. Đâm lao phải theo lao, Nixon ra lệnh tiếp tục ném bom, nhưng ở quy mô nhỏ hơn và chuyển hướng không kích ra ngoài Hà Nội để tránh SAM-2. Đến đây đã có thể xem Linebacker II đã thất bại về chiến lược, tan ảo mộng chiến thắng, giúp làm nguội cái đầu nóng của ông chủ Nhà Trắng. Tác giả Drenkowsky viết: “Đêm 22 rạng ngày 23-12, trên đà thắng của bộ đội phòng không Hà Nội, không một cuộc không kích nào nhằm vào mục tiêu chính là Thủ đô của Việt Nam. Thay vào đó, 30 chiếc B-52 tiến công Cảng Hải Phòng, nơi được bảo vệ về phòng không kém hơn”.Không quân Mỹ sau ngày Noel tỏ ra biết thay đổi chiến thuật và kế hoạch không kích, thực ra là rút ngắn thời gian không kích và đánh phá các địa bàn ở xa Hà Nội, nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục bị bắn rụng như sung. Thậm chí, B-52 rơi không phải do một salvos (loạt đạn tên lửa) mà chỉ do một quả SAM-2 “đồ cổ” trên bầu trời Sơn La.Sách báo thời chiến của Mỹ ghi nhận một sự suy sụp về tinh thần chưa từng có trong các đơn vị Không quân Mỹ. Một đỉnh điểm của nó là có tới 9 chuyến bay B-52 bị đình chỉ đêm 26 rạng ngày 27-12, do trục trặc “cơ khí”. Đây là những “vết thương” từ các cuộc “dạo chơi” những đêm trước trên bầu trời Hà Nội, hay còn cả những cảm nhận “mở nắp buồng lái như mở cửa nhà mồ” của các tay lái “Pháo đài bay”?

Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Nixon ra lệnh chấm dứt ném bom (với lý do duy nhất được phát ngôn viên của ông đưa ra là "có dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán nghiêm túc có thể được nối lại") và hội đàm lại để ký kết hiệp định. Có hai xu hướng bình luận về sự kiện này. Một xu hướng cho rằng đó là do áp lực của dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, và thất bại trong việc buộc Hà Nội nhượng bộ. Xu hướng khác[39] lại cho rằng đó là do chiến dịch đã đạt được mục tiêu là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ ý muốn quay lại đàm phán. Nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khẳng định phía Mỹ bỏ họp trước và chính phía Mỹ đề nghị nhóm họp lại bằng một công điện gửi vào ngày 22/12 (1 ngày sau khi 7 chiếc B-52 bị bắn hạ chỉ trong 1 đêm)[61]

Trong bản ghi âm được giải mật sau này về cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger, Nixon nói rõ việc ông đã quyết định sẽ bỏ mặc "đứa con" Việt Nam Cộng hòa để có thể thoát khỏi cuộc chiến ở Việt Nam.[62]

Henry Kissinger: Tôi nghĩ Thiệu nói đúng đấy. Hiệp định đó (Hiệp định Paris) sẽ đẩy Việt Nam Cộng hòa vào thế nguy hiểmRichard Nixon: Nó (Việt Nam Cộng hòa) phải tự chống đỡ thôi... Nếu nó chết thì cứ để cho nó chết. Nó lớn rồi, chúng ta không thể cứ cho nó bú mớm mãi được

Theo hồi ký Henry Kissinger, ngày 6/1/1973, Nixon đã chỉ thị cho Kissinger trở lại Paris, phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào, với "bộ dạng hoàn toàn khác ngày thường" (ý nói không còn tỏ ra ở thế thượng phong được nữa). Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận vào tháng 10/1972. Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị đình trệ do Hoa Kỳ từ chối ký kết. Hoa Kỳ đã mất hàng chục máy bay để rồi vẫn phải ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này có nghĩa rằng mục tiêu chủ chốt của Mỹ khi tiến hành Chiến dịch Linebacker II đã thất bại.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Linebacker_II http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.faculty.virginia.edu/jnmoore/pdf/patter... http://www.afhso.af.mil/shared/media/document/AFD-... http://www.airpower.maxwell.af.mil/airchronicles/a... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/cuoc...